Như chúng ta đã biết về sự hình thành của đá quý trong tự nhiên, Tất cả các loại đá, các loại khoáng vật, trong đó có hầu hết các đá quý của chúng ta đều hình thành trong các quá trình địa chất tự nhiên nhất định. Các quá trình này đã, đang và sẽ diễn ra trong lòng trái đất, mang tính chu kỳ và liên quan chặt chẽ với nhau và được gọi chung là chu trình tạo khoáng. Trong khi mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ trên thế giới, với đặc điểm địa chất tự nhiên khác nhau, sẽ hình thành ra các mỏ đá quý khác nhau. Chính vì vậy, các loại đá quý sẽ phân bố không đồng đều trên thế giới. Có thể kể đến một số quốc gia có trữ lượng tài nguyên đá quý phong phú như:
Australia: Kim cương, kim cương màu (fancy colour diamond), opal, ngọc trai, sapphire, đá mặt trời, tanzanite, topaz, zircon.
Afganistan: Emerald ngọc lục bảo, garnet, kunzite, lapis lazuli, morganite, peridot, ruby, tourmaline.
Brazil: Alexandrite, thạch anh tím amethyst, aquamarine, citrine, kim cương, emerald ngọc lục bảo, garnet, iolite, kunzite, morganite, opal, thạch anh hồng, topaz, tourmaline.
Campuchia: Saphir, zircon.
Canada: Kim cương, ngọc phỉ thúy, lapis lazuli.
Chile: Lapis lazuli.
Trung Quốc: Kim cương, kim cương màu (fancy color diamond), emerald ngọc lục bảo, ngọc phỉ thúy, ngọc trai, peridot, saphir, tourquoise, zircon.
Colombia: Emerald ngọc lục bảo.
Guyana, Guinea, Ghana, Congo (Brazzaville và Kinshasa): Kim cương.
Cộng hòa Dominica: Amber hổ phách.
Ai Cập: Peridot, turquoise.
Ethiopia: Opal
Pháp: ngọc trai.
Ấn Độ: Kim cương, kim cương màu, emerald ngọc lục bảo, garnet, iolite, đá mặt trăng moonstone, đá mặt trời sunstone.
Kenya: Garnet, iolite, ruby, saphir, tourmaline.
Madagasca: Alexandrite, aquamarine, citrine, emerald ngọc lục bảo, iolite, kunzite, đá mặt trăng moonstone, morganite, thạch anh hồng, ruby, saphir, topaz, tourmaline, zircon.
Mexico: Amber hổ phách, citrine, opal, topaz, turquoise.
Mozambique: Aquamarine, morganite, ruby, tourmaline.
Myanmar: Amber hổ phách, garnet, ngọc phỉ thúy jadeit, peridot, ruby, saphir, spinel, topaz, tourmaline, zircon.
Namibia: Kim cương, garnet, morganite, topaz, tourmaline.
Pakistan: Aquamarine, emerald ngọc lục bảo, garnet, lapis lazuli, peridot, ruby, topaz, tourmaline.
Nga: Alexandrite, amber hổ phách, kim cương, emerald, garnet, lapis lazuli, tourmaline.
Nam Phi: Kim cương, kim cương màu.
Sri Lanka: Alexandrite, garnet, iolite, đá mặt trăng moonstone, thạch anh hồng, ruby, saphir, spinel, topaz.
Tanzania: Alexandrite, kim cương, garnet, iolite, moonstone, peridot, ruby, saphir, spinel, đá mặt trời, tanzanite, tourmaline, zircon.
Thái Lan: Ruby, saphir.
Mỹ: Thạch anh tím amethyst, kim cương, kunzite, lapis lazuli, opal, peridot, saphir, đá mặt trời, topaz, tourmaline, turquoise.
Zambia: thạch anh tím amethyst, aquamarine, emerald ngọc lục bảo, thạch anh hồng, tourmaline
Một số quốc gia có đá quý nhưng chủng loại ít và không đa dạng như Angola, Phần Lan, Philippines, Nhật Bản, Peru, Sierra Leone, Tây Ban Nha, Tajikistan, Uruguay, Venezuela, Zimbabwe.
Tiềm năng đá quý ở Việt Nam
Khoảng 20 năm trở lại đây, Việt Nam bắt đầu được thế giới biết đến về đá quý. Lúc đầu, vào khoảng năm 1980 – 1987, chỉ có các nhà buôn và giới thương gia ở Thái Lan tới tỉnh Lục Yên để mua đá quý thô (một phần lớn ruby Việt Nam bị khai thác và nhập lậu về Thái Lan tại thời điểm đó), đến khoảng năm 1991 xuất hiện nhiều hơn giới thương gia Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng việc mua bán vẫn chưa có sự quản lý chặt chẽ. Thời gian này chính phủ Việt Nam bắt đầu quan tâm hơn đến tiềm năng đá quý của nước nhà, việc thay đổi chính sách về xuất nhập khẩu đá quý được thay đổi cấp thiết để tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản. Cũng trong khoảng thời gian này, chúng ta lần lượt phát hiện thêm các mỏ aquamarine, topaz, tourmaline, jadeit, nephrite, beryl, thạch anh, opal, canxedon… Cho đến nay, tổ chức khoáng vật học của thế giới đã đánh giá Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về đá quý, đặc biệt là aquamarine, peridot, ruby, saphir và spinel.
Đá quý nhóm I
Đá quý nhóm I gồm có kim cương, ruby và saphir, được tìm thấy ở khu vực Yên Bái, Quỳ Châu và một số tỉnh miền nam Việt Nam.
Tham khảo: Phân loại các nhóm đá quý
Khu vực Yên Bái
Yên Bái có các mỏ ruby nổi tiếng nằm rải rác dọc quốc lộ 70 từ thị xã Yên Bái lên huyện Lục Yên. Một trong các mỏ nổi tiếng nhất có thể kể đến là mỏ Tân Hương (phát hiện viên ruby nặng gần 2,6kg), mỏ Trúc Lâu (phát hiện viên ruby nặng gần 2kg) và mỏ Lục Yên. Khu vực này vào những năm 90 có chợ đá quý nằm ở huyện Lục Yên, do người dân thành lập nhằm thu mua và buôn bán đá quý, đến nay chợ chỉ họp nhằm mục đích giao lưu, buôn bán những mặt hàng có giá trị nhỏ. Hiện nay, hiệp hội đá quý Lục Yên được thành lập nhằm quản lý các hoạt động khai thác và buôn bán. Ngoài ruby, Yên Bái cũng có spinel, saphir, tourmaline, garnet và một số đá quý khác.
Mỏ ruby ở Quỳ Châu
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, một số mỏ ruby được phát hiện tại các xã Châu Bình, Châu Hồng thuộc huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Các mỏ nổi tiếng là mỏ “đồi Tỷ” và “đồi Triệu”. Tên gọi này được đặt theo giá trị và chất lượng của Ruby, sở dĩ người dân gọi là mỏ “đồi Tỷ” bởi ruby ở đây được cho là có giá trị tiền tỷ, còn ruby ở đồi triệu có giá trị tiền triệu. Theo đánh giá, chất lượng ruby ở Quỳ Châu thuộc loại đẹp nhất thế giới, hiện nay ruby loại này chỉ có ở tỉnh Mogok (Myanmar), một số mỏ ở Thái Lan.
Miền nam Việt Nam
Một số mỏ saphir được phát hiện ở Đak Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận và Đồng Nai. Ngoài ra tại khu vực xã EaHleo, Đơn Dương, Vân Hòa cũng phát hiện ruby nhưng trữ lượng và kích thước nhỏ.
Đá quý nhóm II
Đá quý nhóm II bao gồm các loại đá bán quý như beryl, aquamarine, tourmaline, topaz…
Beryl và aquamarine: Trong quá trình lập bản đồ địa chất năm 1985, chúng ta đã phát hiện ra các mỏ aquamarine và topaz ở Xuân Lẹ, Thường Xuân, Thanh Hóa và một số địa bàn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Topaz: Topaz được phát hiện tại Xuân Lẹ, Thanh Hóa (với trữ lượng khoảng 41,53 tấn), Bảo Lộc, Lâm Đồng và một số địa bàn thuộc tỉnh Yên Bái.
Tourmaline: Tourmaline được phát hiện ở Lục Yên, Yên Bái tuy nhiên chất lượng và giá trị thương mại chưa cao. Năm 2008 các mỏ tourmaline cũng được phát hiện thêm ở một số địa bàn thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Spinel: Spinel được phát hiện tại các mỏ ở Lục Yên, Tân Hương (tỉnh Yên Bái) và Quỳ Châu (Nghệ An). Các mỏ spinel ở đây có giá trị thương mại rất cao.
Zircon: Các mỏ zircon được tìm thấy ở Kon Tum, Dak Lak, Gia Lai, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Peridot: Peridot chủ yếu được tìm thấy ở hai mỏ Hàm Rồng và Biển Hồ thuộc Lâm Đồng.
Thạch anh, opal, canxedon: các biến thể thạch anh bao gồm thạch anh pha lê và thạch anh khói (phát hiện ở Xuân Lẹ – Thanh Hóa, Thạch Khoán – Vĩnh Phúc, Kỳ Sơn – Nghệ An), thạch anh tím amethyst (phát hiện nhiều ở Đơn Dương – Lạng Sơn và một số nơi thuộc Gia Lai), thạch anh đen morion (phát hiện ở Lộc Tân-Lâm Đồng). Thạch anh hồng (phát hiện ở Đà Nẵng và Tây Nguyên, tuy nhiên độ trong thấp, chỉ có thể làm sản xuất hàng mỹ nghệ). Opal và canxedon được tìm thấy nhiều tại một số tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum… tuy nhiên giá trị thương mại thấp, không phù hợp làm trang sức mà chỉ có thể làm hàng mỹ nghệ.
Jedeit và nephrit: Phát hiện ở Cò Phương-Sơn La, tuy nhiên chất lượng và giá trị thương mại thấp, không phù hợp làm trang sức.
Tektite: tektite được phát hiện nhiều trong khắp cả nước, tuy nhiên loại có kích thước lớn và có giá trị cao thường được tìm thấy ở Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Quốc và khu vực biên giới Việt-Lào.
Fluorite: Fluorite (Fluorit) được phát hiện và khai thác nhiều ở Xuân Lãnh-Phú Yên và Đồng Pao-Lai Châu.
Amazonite: amazonite được tìm thấy ở Lục Yên, Yên Bái, có giá trị cao dùng làm trang sức.