Tổng quan về ngọc trai nhân tạo, trai nuôi

ngọc trai nhân tạo

Ngọc trai là trang sức được con người ưa chuộng từ lâu. Từ xa xưa, người ta đã biết mò trai đáy bể để lấy ngọc. Ngày nay, do nhu cầu của con người ngày càng cao, việc khai thác ngọc từ trai thiên nhiên đã vô tình làm cạn kiệt nguồn lợi, làm ảnh hưởng môi trường sống và môi trường tự nhiên. Việc khai thác trai thiên nhiên được thay thế bằng việc nuôi cấy trai nhân tạo.

Ở Việt Nam có nhiều loại trai cho ngọc đẹp như Trai Cánh (Sinohyriopsis), Trai Không Răng (Anodonta), Trai Ngọc (Pinctada)… nhưng nguồn lợi không cao, chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên trong nhiều năm qua, chúng ta đã chủ trương phát triển ngành công nghiệp nuôi trai thu ngọc nhân tạo.

1. Lịch sử ngành công nghiệp ngọc trai nhân tạo

Ngành nuôi trai lấy ngọc nhân tạo được chia ra làm 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: bắt trai về nuôi lấy ngọc. Giai đoạn này có từ trước năm 1853, con người bắt trai thiên nhiên về nuôi trong hồ, sau 3-4 năm thì bắt lên lấy ngọc. Ở giai đoạn này, con người mới chỉ biết nuôi trai lấy ngọc một cách tự nhiên, chưa có phương pháp kỹ thuật nào tác động vào trai.
  • Giai đoạn 2: sản xuất ngọc bán cầu theo phương pháp Kokichi Mikimoto. Giao đoạn này diễn ra trong khoảng thời gian 1853-1925. Người ta bắt trai về sau đó cấy một dị vật vào trong con trai, nuôi chúng ở trong lồng, sau một vài năm Trai sẽ chiết ra chất xà cừ bao quanh dị vật thành viên ngọc hình bán cầu.
  • Giao đoạn 3: Từ 1925 đến nay, người ta áp dụng phương pháp sản xuất ngọc tròn của nhà khoa học Tokichi Nishikawa.

Ngọc trai thiên nhiên và ngọc trai nhân tạo chỉ khác nhau về tác nhân tạo ra ngọc, không khác nhau về chất lượng nên giá trị sử dụng là như nhau.

2. Các loại ngọc trai

Dựa vào vị trí hình thành và hình dạng của viên Ngọc Trai. Ngọc trai được chia ra thành các loại như sau:

Ngọc Trai tròn

Ngọc có hình dạng tròn, được hình thành trong các mô, không cố định vào vỏ. Dựa vào vị trí và sắc thái, Ngọc Trai tròn được chia làm 4 loại:

  • Ngọc túi: hình thành ở mép màng áo, kích thước to, chất lượng tốt nhất.
  • Ngọc tai: còn được gọi là ngọc lề, hình thành phía tai vỏ phía dưới bản lề. Loại ngọc này hình thành từng chùm từ 2-3 viên ngọc, chất lượng kém.
  • Ngọc thịt: ngọc hình thành từng chùm hàng trăm viên, kích thước rất nhỏ, chất lượng rất kém nên thường dùng làm thuốc đông y.
  • Ngọc bụng: hình thành gần nội tạng, chất lượng kém.

Ngọc trai bán cầu

Ngọc trai bán cầu thường được gọi là Ngọc dính, chúng thường mọc dính vào mặt trong của vỏ, hình dạng bán cầu, chất lượng tương đối tốt.

3. Đặc điểm sinh học của trai ngọc

Trai ngọc Pinctada Martensii (Dunker)

Trai Pinctada Martensii còn gọi là hàu Nhật Bản, có tầng xà cừ ở giữa vỏ dày, nhẵn bóng, mép màu vàng nhạt. Trai cho chất lượng ngọc trung bình.

Phân bố trên thế giới: Ấn Độ, Quảng Đông – Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…

Phân bố ở Việt Nam: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Thuận, Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc.

Đặc điểm môi trường sống: Trai Pinctada Martensii sống ở vùng dưới triều, độ sâu 15-20m, nồng độ muối 25-30%o, chất đáy là cát, sỏi pha vỏ động vật thân mềm, biển lặng ít sóng gió.

Mùa vụ sinh sản: tháng 4-10

Thức ăn: chủ yếu là thực vật phù du

Trai ngọc môi vàng Pinctada Maxima

Trai Ngọc Môi Vàng hay còn được gọi là Đại Trân Châu. Mặt ngoài vỏ màu nâu, mặt trong vỏ ánh bạc, xung quanh mép có ánh màu vàng. Trai ngọc môi vàng cho ra Ngọc trai quý có chất lượng cao cấp.

Phân bố trên thế giới: Tây Bắc Úc, Indonesia, Philipines, Vịnh Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Việt Nam.

Phân bố ở Việt Nam: Đảo Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Phú Quốc, Vũng Rô – Phú Yên

Môi trường sống: sống ở độ sâu 25-30m, đáy sỏi, cát.

Trai ngọc môi đen Pinctada Margaritifera

Phân bố trên thế giới: Đông Thái Bình Dương, Panama, Mexico, Sudan, Tahiti.

Phân bố ở Việt Nam: Thanh Hoá, Phú Yên, Phan Thiết, Cam Ranh, Nha Trang

Môi trường sống: sống ở độ sâu 50-60m, nồng độ muối 30%o

4. Màu sắc của Ngọc Trai

Màu sắc của Ngọc Trai phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống của Trai như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu cũng như thức ăn cho Trai.

Ngọc Trai có nhiều màu sắc khác nhau, tuy nhiên màu sắc của Ngọc Trai được ưa chuộng thường là màu hồng phớt, màu đen, màu trắng, vàng ánh kim.

5. Thời điểm thu hoạch Ngọc Trai

Ngọc Trai thường được thu hoạch vào thời điểm tháng 8-10 trong năm, khi thời tiết mát mẻ, biển lặng sóng. Ngọc trai thu hoạch vào mùa này cho chất lượng tốt nhất.