Đá iolite
Trong truyền thuyết, những tên hải tặc Viking cổ đại đã sử dụng những mảnh đá iolite được mài mỏng như một chiếc la bàn để giúp chúng tìm đường về phía mặt trời trong những ngày sương mù dày đặc.
Trên thị trường đá quý, đá iolite đẹp và có giá thành ở mức vừa phải, tuy nhiên rất hiếm khi khai thác được iolite ở dạng tinh thể lớn.
Chúng có tính nhị sắc, khi quan sát ta thường thấy màu xanh hoặc tím ở góc nhìn trực diện, khi thay đổi góc nhìn, màu sắc viên đá chuyển sang màu vàng nhạt hoặc trong suốt.
Màu xanh của đá iolite gần giống với xanh Sapphire, vì vậy mà nhiều người vẫn gọi chúng là Sapphire nước.
Iolite có độ cứng cao ( 7,5 theo thang độ Mohs), chúng rất bền và khó bị trầy xước, tuy nhiên do cấu trúc tinh thể có “đặc tính dễ tách”, chúng dễ bị vỡ khi bị va chạm mạnh ở một góc nhất định.
Tên gọi iolite có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ là “ios”, có nghĩa là “màu tím”. Giới thạch trị liệu học tin rằng năng lượng của đá iolite tốt cho giấc ngủ và tăng khả năng sáng tạo.
Tổng quan về đặc tính của đá iolite.
Tên khoa học: Đá iolit/ iolite
Công thức hóa học: (Mg,Fe)2Al3(AlSi5O18)
Lớp: Silicat
Nhóm: Beryl
Tinh hệ: Trực thoi
Độ cứng: 7,5
Tỷ trọng: 2,57-2,61
Cát khai: Rõ
Vết vỡ: Á vỏ sò
Sự hình thành: Đá Iolite thường gặp trong các đá gneiss, đá phiến và đá magma biến đổi.
Màu sắc: không màu đến xanh lam, tím ( có tính đa sắc)
Màu vết vạch: không màu.
Ánh: thủy tinh.
Phân bố trên thế giới: Myanmar, Ấn Độ, Srilanka, Madagasca, Phần Lan, Canada.
Màu sắc của đá iolite
Trong thị trường đá quý, màu sắc của iolite là yếu tố quyết định giá trị thương mại của viên đá. Những viên có màu xanh tím thẫm thường được định giá ở mức cao nhất, còn những viên có màu tím nhạt hoặc trắng trong có giá trị thấp hơn.
Việc cắt viên đá một cách khéo léo có thể làm màu sắc của chúng trở nên đẹp hơn. Những viên đá sau khi cắt được cho là đẹp, phải lấp lánh, thể hiện rõ tính đa sắc của đá, và màu tím đặc trưng phải được thể hiện ở góc nhìn trực diện.
Giá trị và tính phổ biến của đá iolite.
Trong thị trường trang sức đá quý, những viên iolite nhỏ (khoảng dưới 3 carat) là phổ biến nhất do chúng đạt tiêu chuẩn về độ trong, không lẫn tạp chất, giá thành ở mức rất vừa phải.Những viên iolite lớn hơn một chút, khoảng 5 carat, nếu đạt tiêu chuẩn về độ trong, có giá thành ở mức cao.
Những viên có kích thước lớn hơn thường lẫn nhiều tạp chất, đó là lý do vì sao những viên iolite có kích thước lớn thường hiếm và có giá trị thương mại cao.
Xử lý đá iolite.
Thông thường, do giá trị của iolite không ở mức quá cao, trên thị trường thường hiếm khi thấy đá iolite đã qua xử lý, làm giả hoặc iolite nhân tạo.
Với những thợ có tay nghề cao, việc cắt đá iolite một cách khéo léo có thể làm tăng vẻ đẹp của chúng, người mua đôi khi có thể nhầm lẫn giữa iolite với Sapphire hoặc đá Tanzanite.
Tham khảo: thạch anh; thạch anh hồng; thạch anh tím; thạch anh khói; thạch anh tóc;alexandrite; hổ phách; aquamarine; kim cương; ngọc lục bảo; ngọc hồng lựu; iolite; cẩm thạch; ngọc phỉ thúy; kunzite; lapis lazuli; đá mặt trăng; morganite; opal; ngọc trai; peridot; ruby; sapphire; spinel; đá mặt trời; tanzanite; topaz; tourmaline; ngọc lam turquoise; zircon.